PETROVIETNAM NHỮNG CON SỐ CÓ HỒN

Năm 2012 doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) lần đầu tiên vượt qua mốc son 770 ngàn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 186,3 ngàn tỉ đồng, vượt 51,48 ngàn tỉ so với kế hoạch năm. Những con số thành tích này mang ý nghĩa sâu sắc về mọi mặt chính trị, kinh tế và xã hội.

PETROVIETNAM NHỮNG CON SỐ CÓ HỒN

Tâm sức nào, thành quả ấy

Trong khi kinh tế thế giới và trong nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoặc đang vất vả chống đỡ, hoặc không trụ được đã gục ngã, Petrovietnam vẫn vững vàng vượt qua mọi thử thách bằng nỗ lực lớn lao, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, đóng góp phần đặc biệt quan trọng vào tổng thu ngân sách Nhà nước.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là xây dựng ngành Dầu khí trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đồng bộ dựa trên tiềm năng dầu khí trong và ngoài nước, phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững. Sự phát triển của ngành Dầu khí ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, của đất nước và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đến hôm nay, Petrovietnam đã xây dựng được nền công nghiệp Dầu khí hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác, chế biến, lọc hóa dầu - khí đến tàng trữ phân phối sản phẩm.

Vượt qua những mục tiêu lợi nhuận thông thường của một doanh nghiệp, Petrovietnam là một doanh nghiệp Nhà nước đặc thù với những nhiệm vụ đặc biệt như trở thành đầu tàu dẫn dắt đối với nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần bình ổn thị trường, tích cực hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.

2012 lại là một năm tiếp tục đà thắng lợi của Petrovietnam. Chiếm hơn một nửa về tổng doanh thu của toàn bộ khối tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và hơn 70% về tỷ lệ nộp ngân sách, Petrovietnam đạt mốc khai thác 290 triệu tấn dầu thô, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48 triệu tấn quy đổi, khai thác 80 tỉ m3 khí, sản xuất kWh điện thứ 50 tỉ, bảo đảm 70% nhu cầu phân đạm, 30% nhu cầu xăng dầu cho cả nước. Với tỷ trọng nộp 25-30% tổng thu ngân sách hằng năm, những đóng góp của Petrovietnam trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay là đặc biệt ý nghĩa.

Đằng sau hào quang của thành công ấy là những nỗ lực của hơn 50 ngàn người lao động Dầu khí trong nhiều năm qua, đích thực là một phép cộng của mồi hôi và nước mắt, phép nhân của tâm sức và trí tuệ.

Đối mặt với áp lực, thách thức

Tài nguyên dầu khí không phải cứ cắm mũi khoan xuống mà hút lên. Để tường minh điều này, chúng ta phải trải qua 50 năm, thế giới mất hơn 150 năm. Các dự án của ngành Dầu khí hầu hết là dự án khó, phức tạp và lớn về quy mô. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí thế giới luôn mang lại hiệu quả cao nhưng đồng thời cũng cần đầu tư rất lớn, do vậy đi kèm rủi ro lớn. Chúng ta đã biết, mỗi mũi khoan dầu khí tốn kém hàng chục triệu đôla, có mũi hàng trăm triệu, khoan 10 có khi chỉ trúng 2-3... Một tai nạn tràn dầu có thể trở thành tai họa làm sụp đổ cả công ty hàng đầu thế giới. Vì vậy, hầu như không có quốc gia nào có thể “làm tất ăn cả”, không thể tự tổ chức triển khai từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn, đòi hỏi phải chia sẻ rủi ro và quyền lợi với sự tham gia của các đối tác nước ngoài về đầu tư tài chính, công nghệ sản xuất, quản lý doanh nghiệp, đào tạo nhân lực.

Ngày nay, tài nguyên dầu khí, đặc biệt là các mỏ lớn ngày càng khan hiếm, Petrovietnam buộc phải triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực nước sâu xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp, đòi hỏi phải tổ chức nghiên cứu, triển khai chuyên nghiệp hơn, chi phí tốn kém hơn; bên cạnh đó là những dự án tự đóng giàn khoan, dự án công nghiệp khí, lọc hóa dầu mới, dự án nhiệt điện than, xăng sinh học…, đều là những dự án tầm quốc gia, trong khi ngành Dầu khí của Việt Nam vẫn còn non trẻ, cán bộ trình độ cao còn mỏng, còn thiếu. Kinh tế thế giới suy thoái tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam, việc thu xếp vốn cho các dự án gặp nhiều khó khăn, đầu tư ra nước ngoài trong những điều kiện cạnh tranh quyết liệt.

Petrovietnam luôn phải đối mặt với các rủi ro, nguy hiểm thường trực trong hoạt động khai thác dầu khí trên biển như: cháy, nổ, mất kiểm soát giếng dầu, phun trào, tràn dầu, thảm họa từ tự nhiên...; một số mỏ, các công trình biển đã có thời gian dài sử dụng, cần được thường xuyên bảo trì và nâng cấp trong khi tài sản, trang thiết bị của các đơn vị trong ngành lại có đặc thù đa dạng về công năng, phức tạp về kỹ thuật, có quy mô, giá trị lớn, trải dài từ Bắc vào Nam, không có sẵn trên thị trường. Với số lượng công trình khai thác trên biển ngày càng gia tăng, công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn càng khó khăn hơn. Nhu cầu sản lượng, nhất là sản lượng khí cũng tạo sức ép không nhỏ lên các nhà thầu thi công nên làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chương trình, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế thiết bị.

Thách thức với sự nghiệp đi “tìm lửa” gian nan không chỉ đối với Petrovietnam mà còn đối với mỗi con người trong đó. Về địa lý, công trình dầu khí hầu hết đều ở những vùng khắc nghiệt như ngoài biển khơi, sa mạc Sahara châu Phi hay miền băng giá Nhenhestsky. Lao động dầu khí là lao động nặng và cực nhọc, thêm nữa, điều kiện công tác bắt buộc nhiều người phải hy sinh những hạnh phúc bình dị nhất, xa gia đình, xa quê hương, phải quên đi những lạc thú đời thường, sức ép tinh thần ấy trở nên vô cùng lớn, vô cùng khó chịu đựng bởi sự giày vò của thời gian.

Petrovietnam và những người lao động dầu khí thực sự đang đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió về cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Đừng để vàng thau lẫn lộn

Những khó khăn gian khổ ấy cũng không thể làm nản lòng những thế hệ người lao động Dầu khí. Một thứ áp lực tinh thần khác được coi là khá nặng nề cần được giải tỏa. Thời gian qua, có một thực tế là việc sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực mà Nhà nước giao các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa thật sự cao, chưa tương xứng và như mong đợi của người dân. Đặc biệt, gần đây, một số tập đoàn, tổng công ty để xảy ra sai phạm, gây thất thoát, lãng phí. Dư luận xã hội vì vậy có khá nhiều thành kiến cho rằng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, trở thành gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế nói chung.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng nói: “Điều này đã làm lu mờ công sức, đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp Nhà nước, gây ra những đánh giá, nhận xét tiêu cực về lực lượng này. Chúng ta cần xem xét, xử lý nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng không nên phủ nhận toàn bộ công sức của hàng triệu cán bộ, viên chức, kỹ sư, người lao động đang ngày đêm làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước”.

Không thể phủ nhận rằng, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có bề dày lịch sử phát triển, là những đơn vị đóng vai trò rường cột của nền kinh tế qua các thời kỳ, từ thời kỳ tập trung bao cấp. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm chủ yếu cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nhất, góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như xăng dầu, viễn thông, than, điện, sắt thép, xi măng…

Thực tế là, cho đến nay chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp Nhà nước lỗ và hòa vốn, 80% là có lãi. Số tiền lãi nộp cho ngân sách hằng năm đều tăng. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là thành phần chủ lực, giúp Nhà nước thực hiện chiến lược đầu tư phát triển, bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội và tham gia vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp ở các khu vực tập thể, tư nhân không phải gánh vác.

Quốc gia nào cũng vậy, có những chính sách và “quân bài chiến lược” của riêng mình để đối phó với những tình huống rủi ro, khẩn cấp. Những kế hoạch đó không phải lúc nào cũng có thể công bố và thông tin rộng rãi. Một số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở ta được duy trì trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, vì vậy, không phải khi nào cũng có thể nhìn nhận, phân tích hoạt động của doanh nghiệp theo nghĩa thông thường và soi rọi theo các quy luật thị trường thuần túy.

Với Petrovietnam, việc Nhà nước điều tiết đối với các lĩnh vực Petrovietnam đang đầu tư và giao nhiệm vụ chính trị vào từng thời điểm khác nhau, khi nào và cái gì theo thị trường được Nhà nước tôn trọng, khi nào phải trở thành công cụ gánh vác trách nhiệm xã hội..., đều mang những ý nghĩa rất quan trọng với kế hoạch, chính sách tổng thể về kinh tế. Đó là trách nhiệm nặng nề song cũng hết sức vinh quang.

Trong khi thu ngân sách đang gặp khó khăn, nền tài chính quốc gia chưa thực sự an toàn, bền vững thì những đóng góp của Petrovietnam là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn. Trong giai đoạn kinh tế hiện nay, việc đánh giá thận trọng và khách quan, toàn diện và công bằng về một doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả và lành mạnh như Petrovietnam là rất cần thiết. Mỗi ứng xử bất cẩn, vội vã đều có thể góp phần gây phương hại không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với nền kinh tế, với lợi ích quốc gia nói chung. Đặc biệt, các mối quan hệ hợp tác thương mại quốc tế, phải mất nhiều năm gây dựng uy tín và thương hiệu, có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Hiểu đúng và đầy đủ về ngành Dầu khí chính là sự động viên cực kỳ quan trọng của toàn xã hội đối với lĩnh vực then chốt của đất nước mà Petrovietnam đang đi tiên phong với phương châm hành động: Đồng tâm hiệp lực - Đổi mới hội nhập - Phát triển bền vững.

(Theo Petrotimes)

DANH SÁCH ĐỐI TÁC

Công ty Coteccons
Công ty An Phong
Hưng Thịnh Corp VN
Tập đoàn Danh Khôi
Ngân hàng VietinBank
Ngân hàng Techcombank
Ngân hàng BIDV
Ngân hàng Nam Á Bank
Ngân hàng INDOVINA
Colliers
Sapa Capital
Hotline: 02854161020